Học tiếng Anh và học Phật
Khi chưa biết tiếng Anh, chúng ta nghe người ta nói tiếng Anh mà chẳng hiểu gì cả. Gặp người nước ngoài, chúng ta sẽ thấy rất lạ lẫm. Nếu như ai đó đặt ta ở nước Anh hay nước Mỹ, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy rất lạc lõng. Ai mà nhanh trí thì có thể dùng ngôn ngữ cơ thể (body language) để chỉ trỏ này kia, còn không thì đều như gà mắc tóc cả.
Cũng vậy, khi chưa biết Đạo Phật thì chúng ta sẽ thấy rất lạ lẫm khi ai đó nói đến Tứ Diệu Đế, đến Bát Chánh Đạo, đến nghiệp, đến ngũ giới,… Gặp các nhà sư, nhìn họ khất thực, chúng ta cũng sẽ không hiểu tại sao họ làm như vậy. Thấy các thiền sinh ngồi thiền, nhiều khi ta cũng tự hỏi không hiểu họ ngồi lim dim như vậy cả tiếng đồng hồ để làm gì. Nếu mới tham dự các buổi thiền tập lần đầu, người nào hoạt bát thì có thể bắt chuyện với các thiền sinh cũ, hỏi dăm ba câu về thiền (mặc dù các thiền sinh không có nhu cầu giao tiếp mấy), còn không thì đến rồi lại về.
Khi bắt đầu học tiếng Anh, chúng ta được học phát âm, học ngữ pháp, từ vựng. Rồi học các mẫu câu, các tình huống giao tiếp, … Có rất nhiều thứ phải rèn luyện để học tốt tiếng Anh. Nếu may mắn có được phương pháp học tốt thì có thể giao tiếp tiếng Anh và sử dụng nó trong công việc và cuộc sống được. Còn không thì nhiều khi học xong cấp 3, xong đại học mà chữ trả hết cho thầy, tiếng Anh học xong cũng không áp dụng được, rất phí hoài.
Học Phật cũng vậy. Khi mới bắt đầu, chúng ta cũng đi từng bước nhỏ từ tam quy, ngũ giới tới những giáo lý căn bản như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo. Càng học thì sẽ thấy mọi thứ càng nhiều thêm. Kinh sách, các bài giảng gần mở ra vô vàn thứ. Nếu như may mắn học được đúng pháp môn phù hợp thì còn có thể áp dụng vào trong đời sống, giúp giảm trừ được tham, sân, si, tà kiến, ngã mạn. Còn không thì nhiều khi học xong chỉ khiến ta hay xăm xoi, bắt lỗi người và lý luận suông, chẳng có tác dụng gì.
Người ta hay nói để học tiếng Anh tốt thì cần có môi trường, ví như được thường xuyên tiếp xúc với tiếng Anh như hay phải giao tiếp với người nước ngoài, hay phải đọc, dịch tài liệu tiếng Anh hoặc hay phải trao đổi bằng tiếng Anh. Nhờ môi trường đó mà chúng ta có thể tiếp thu tiếng Anh một cách tự nhiên, liên tục và lại rất phù hợp với hoàn cảnh sống, nên tiếng Anh cũng sẽ tự nhiên được trau dồi và tốt lên mà không cần gắng sức quá nhiều.
Khi học Phật cũng thế. Một môi trường tốt khi học Phật là có một vị thầy tốt, có bạn đạo và môi trường tu tập phù hợp như kinh sách, phòng thiền. Gặp gỡ được vị thầy hướng dẫn đúng chánh pháp, các bạn đạo nỗ lực tinh tấn, và sách vở phù hợp thì tự nhiên ta cũng bị “thúc” lăn theo bánh xe chánh pháp. Việc thực hành tinh tấn cũng trở nên dễ dàng hơn, các khó khăn trên bước đường tu tập cũng sẽ giảm bớt và việc tu học cũng sẽ tự nhiên tốt lên mà không phải gắng sức quá nhiều.
Với tiếng Anh, có rất nhiều người học trong trường lớp khá giỏi, bài vở ngữ pháp đều rất tốt, nhưng khi gặp người nước ngoài thì không bật được ra từ nào. Các kỹ năng giao tiếp, những kiến thức học được dường như bị “khóa” đến mức nhiều khi đỏ bừng mặt, thầm nghĩ rõ ràng cái này mình biết mà không thể nói ra được. Đến khi về nhà, nghĩ lại thấy lúc đó rõ là dễ dàng mà sao mình không làm được.
Khi học Phật, nếu chỉ chuyên đọc kinh sách, thuộc lòng các bài kệ mà quên mất việc thực hành thì nhiều khi cũng rơi vào tình huống tương tự. Khi phiền não nổi lên, ta không biết nên làm thế nào. Những kinh kệ đọc được cũng đã rơi đâu mất, bỏ lại ta với cơn giận đang thiêu đốt tim gan. Khi cơn giận trôi qua, nghĩ lại ta lại thấy nếu lúc đó ta chánh niệm tỉnh giác, quan sát nó như nó là thì có phải tốt biết mấy.
Tiếng Anh hiện nay đang là trào lưu và nó dần trở thành 1 ngôn ngữ không thể thiếu trong đời sống và công việc. Trong vòng 10-20 năm nữa, có lẽ ai cũng sẽ biết và sử dụng được tiếng Anh. Việc học và rèn luyện nó gần như trở nên một điều tất yếu và ai cũng cần tìm cách để biến nó trở thành một công cụ hữu ích.
Mong rằng chúng ta ai cũng có tâm thế học Phật như vậy, để giáo pháp của Đức Phật dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của chúng ta. Mong rằng mỗi người đều tìm được pháp môn phù hợp, vị thầy phù hợp, bạn đạo phù hợp và không ngừng tu tập và áp dụng vào trong đời sống để phần nào giảm bớt phiền não và có một cuộc sống hạnh phúc.
Bản quyền thuộc về Anh Tran – Founder & CEO eLightUp